Đau cột sống cổ là bệnh lý do nhiều nguyên nhân, dễ dẫn đến thoái hóa hoặc hình thành các gai xương đốt sống.
Đông y gọi đau cột sống cổ là cốt tý, thuộc phạm vi của chứng tý. Nguyên nhân chủ yếu do chính khí suy thoái, khí huyết vận hành trì trệ, bệnh tà hàn thấp (lạnh ẩm) xâm nhập vào cơ thể, lưu trú ở các khớp xương mà gây nên bệnh.
Bài thuốc trị đau cột sống cổ
– Thành phần bài thuốc: Bạch thược 30g, mộc qua 12g, cam thảo 1g, kê huyết đằng 15g, uy linh tiên 12g, cát căn 12g, cẩu tích 20g, đỗ trọng 12g.
– Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 800ml nước, còn 250ml, chia ra 3 phần, uống trong ngày. Uống liền trong 10 ngày là 1 liệu trình, giữa các liệu trình nghỉ 5 – 7 ngày.
– Phương giải bài thuốc:
+ Bạch thược: Vị đắng chua, tính hơi hàn; vào can, tỳ. Tác dụng bổ huyết, liễm âm, bình can, chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau do co cứng tay chân giúp giãn gân giảm đau, đau tức vùng ngực bụng, đau đầu hoa mắt chóng mặt, sốt nóng vã mồ hôi, mồ hôi trộm.
+ Mộc qua: Vị chua chát (sáp), tính hơi ôn; vào các kinh tỳ, vị, can, phế; có tác dụng thư can hòa vị, khu phong trừ thấp, thư cân hoạt lạc tiêu thực chỉ thống. Trị phong thấp đau sưng khớp phù chân, đau do bệnh thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng
+ Kê huyết đằng: Vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ẩm không độc, có tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, chữa các chứng đau nhức.
+ Uy linh tiên: Vị cay mặn, tính ôn có tác dụng khu phong, hành khí, thông kinh lạc, chữa các chứng đau nhức tê bại, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh.
+ Cát căn: Vị ngọt, cay, tính bình, có tác dụng giải biểu thanh nhiệt, giải cơ thấu chẩn chỉ khát, sinh tân chỉ tả. Trị cảm sốt đau đầu, đau cứng vùng đầu cổ vai, sốt nóng khát nước.
+ Cẩu tích: Vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trừ thấp, giảm đau, chữa phong hàn, đau nhức xương cốt.
+ Đỗ trọng: Vị ngọt, tính ôn. Chủ trị nhược cơ, gân cốt bải hoải, chân tay yếu mỏi, vô lực, đau đầu, chóng mặt.
+ Cam thảo: Vị ngọt, tính bình. Cam thảo được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc Đông y, do có tác dụng điều hòa các vị thuốc, kéo dài thời gian tác dụng và làm giảm bớt độ độc của các vị thuốc khác.
Một số động tác giúp giảm đau cột sống cổ
– Gập cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, cúi đầu về trước, cằm càng sát ngực càng tốt, sau đó trở về vị trí ban đầu.
– Duỗi cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, ngửa đầu ra phía sau hết mức có thể, sau đó trở về vị trí ban đầu.
4 động tác giúp dự phòng và điều trị đau cột sống cổ.
– Nghiêng cột sống cổ: Ngồi thẳng lưng, dùng bàn tay đặt lên tai bên đối diện nhẹ nhàng kéo nghiêng đầu và giữ yên trong 2 phút sau đó làm tương tự với đầu bên đối diện.
– Xoay cột sống cổ: Lần lượt xoay đầu sang 2 bên, càng xa càng tốt, mắt nhìn xuống vai. Làm chậm rãi, tránh thay đổi tư thế đột ngột
Lưu ý: Các động tác (bài tập) trên cần được duy trì đều đặn 2 lần/ngày, buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi động tác thực hiện 5 – 10 lần. Đây là bài tập phổ biến trong điều trị đau cột sống cổ nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp cổ, tăng cường lưu thông máu đến vùng cổ, dự phòng và điều trị đau cột sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ.
Khi thấy đau cột sống cổ, người bệnh cần đi khám sớm để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
(SKĐS – Thầy giỏi – thuốc hay, 12/11/2023)