4 loại đồ uống cần tránh khi dùng thuốc

Nước uống có ảnh hưởng tới việc dùng thuốc, nhưng nhiều người lại không để ý. Vậy khi dùng thuốc cần tránh uống các loại nước nào?

Các loại đồ uống không nên dùng khi uống thuốc

Nước giúp thuốc đi từ miệng xuống dạ dày, ruột non và được hấp thụ để mang lại tác dụng điều trị mong muốn. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh khiết là cách tốt nhất để thuốc phát huy hiệu quả điều trị.

Dưới đây là một số đồ uống không nên dùng cùng với thuốc:

Sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa cản trở sự hấp thụ, làm giảm hiệu quả của thuốc. Canxi có trong sữa sẽ liên kết với các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh… dẫn đến ngăn cản sự hấp thụ thuốc vào cơ thể, làm hiệu quả của thuốc bị giảm đi rất nhiều.
Sữa cản trở sự hấp thu của nhiều loại kháng sinh khác nhau như tetracycline (giảm hấp thu) và một số quinolone (giảm khả dụng sinh học). Khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cùng với thuốc nhuận tràng có nguy cơ cao gây đau bụng vì các thức uống từ sữa khiến thuốc không thể hòa tan trong ruột.
Khi uống thuốc cũng cần lưu ý tránh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa khác như kem hoặc pho mát trước và sau 2 giờ khi dùng thuốc.

Rượu bia

Kiêng rượu là điều cần thiết khi dùng hầu hết mọi loại thuốc. Uống rượu trong khi dùng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau và có hại cho sức khỏe. Uống thuốc cảm lạnh với rượu có thể gây buồn ngủ và có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương quá mức, gây hại cho sức khỏe. Khi dùng thuốc nhức đầu hoặc thuốc chống viêm cùng với rượu sẽ có nguy cơ bị tổn thương gan và dễ gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.

Caffein

Caffeine trong cà phê và trà có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa khi dùng chung với thuốc. Trong trường hợp dùng thuốc giảm đau chống viêm, nguy cơ rối loạn tiêu hóa tăng lên khi dùng chung với đồ uống có chứa caffeine. Một số loại thuốc cảm lạnh hoặc thuốc giảm đau đã chứa caffeine và nếu dùng chung với cà phê dẫn đến quá liều, gây lo lắng, buồn nôn và mất ngủ do lượng caffeine dư thừa.

Nước hoa quả

Nước trái cây đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc, đặc biệt là những loại thuốc được kê đơn cho các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc bệnh tim. Đặc biệt, nước bưởi chùm khi uống chung với thuốc trị mỡ máu, thuốc trị tăng huyết áp sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Uống thuốc huyết áp với nước ép lựu có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Cũng không nên uống các loại thuốc kháng sinh như ampicillin, erythromycin… với nước chanh, nước cam, các loại nước có vị chua.

Làm thế nào để uống thuốc đúng cách?

Điều quan trọng nhất khi sử dụng thuốc để phòng hoặc chữa bệnh là phải dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, vì vậy chớ bỏ qua lời dặn dò từ bác sĩ, dược sĩ về vấn đề này.
Tuân thủ liều lượng và không được ngừng dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng một cách tùy tiện. ‎‎Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra, nếu gần đến liều tiếp theo thì hãy đợi và uống, không bao giờ được uống quá liều cho phép.
Nếu trước đây bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, đang sử dụng thuốc được kê đơn của cơ sở y tế khác hoặc đang dùng thuốc thảo dược, thực phẩm bổ sung sức khỏe, vitamin tổng hợp… cần phải thông báo với bác sĩ.
Tốt nhất nên uống thuốc với 1 cốc nước lọc đầy tương đương 150-200ml. Uống thuốc mà không uống đủ nước cũng có thể khiến thuốc không hoạt động bình thường, thậm chí có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn trong một số trường hợp, ví dụ:
– Với nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID: Một số NSAID thường được sử dụng là aspirin, ibuprofen và naproxen. Dùng NSAID mà không uống đủ nước hoặc uống khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ bị kích ứng thực quản, dạ dày hoặc thậm chí là loét.
– Nhóm thuốc gọi là bisphosphonates được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa loãng xương. Những loại thuốc này thường được uống khi bụng đói. Để giảm nguy cơ bị kích ứng thực quản, điều quan trọng là phải uống những loại thuốc này với nhiều nước và tránh nằm ít nhất nửa giờ sau khi uống.
Lượng nước cần thiết cũng có thể phụ thuộc vào dạng bào chế. Ví dụ, có thể cần uống nhiều nước hơn khi dùng viên nang lớn hơn so với thuốc viên nhỏ hoặc thuốc dạng lỏng.
Ngoài các loại đồ uống kể trên, thực phẩm giàu kali như chuối, cam cũng có thể gây ra tác dụng phụ đối với một số loại thuốc cần lưu ý. Cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để hiểu các biện pháp đảm bảo an toàn khi dùng thuốc.
(SKĐS – An toàn dùng thuốc, 20/11/2023)